Điện hạt nhân là đối tượng quan trọng nhất của Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) cả về phương diện phát triển ứng dụng và quản lý an toàn trong bối cảnh hiện tại.
Đáp ứng khung pháp lý cho quản lý nhà nước
Ngày 27/6/2025, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, bao gồm 8 chương với 73 điều (giảm 20 điều so với Luật năm 2008) được xây dựng trên cơ sở 4 chính sách.
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân
Cụ thể, thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Chia sẻ về các điểm căn cốt của dự án Luật tại buổi họp báo của Bộ Khoa học và Công nghệ chiều 27/6, ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Luật đáp ứng khung pháp lý cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bao gồm phát triển ứng dụng, bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, phù hợp với hướng dẫn và luật mẫu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Nguyên tắc bảo đảm an toàn - an ninh đã được thể hiện xuyên suốt cho từng đối tượng quản lý từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Thêm vào đó, việc quy định một chương riêng về thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của IAEA để bảo đảm các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình, cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và sắp tới là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Điểm căn cốt tiếp theo đó là, điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia, đáp ứng tiêu chí năng lượng sạch, góp phần vào mục tiêu giảm phát phát thải carbon, bảo đảm nhu cầu và an ninh năng lượng quốc gia, kiến tạo không gian phát triển mới.
Sau thời kỳ thoái trào cách đây 10-15 năm thì nay, điện nhạt nhân đã trở lại do công nghệ hiện tại chủ yếu là thế hệ III+ được kiểm chứng có độ an toàn rất cao. “Do vậy, điện hạt nhân là đối tượng quan trọng nhất của Luật cả về phương diện phát triển ứng dụng và quản lý an toàn, an ninh trong bối cảnh hiện tại” - ông Nguyễn Tuấn Khải nói.
Theo hướng dẫn của IAEA và kinh nghiệm quốc tế, hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và an toàn hạt nhân nói riêng phải do một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn của IAEA, quản lý toàn bộ vòng đời, qua tất cả các giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, từ phê duyệt dự án, lựa chọn địa điểm, xây dựng, vận hành thử, vận hành cho đến giai đoạn đóng cửa. Đây là cách tiếp cận toàn diện, theo kinh nghiệm quốc tế.
Để phục vụ cho việc triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi, Luật có quy định cho phép áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của nước cung cấp công nghệ, dự án có khoản chi cho thẩm định an toàn, thẩm định công nghệ và đào tạo.
Đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân, trong Luật đã thiết kể hẳn một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, một mục riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy. Xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố.
Xây dựng văn hoá an toàn, an ninh hạt nhân, vì ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.
Tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân
Một điểm căn cốt khác của Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) đó là có chính sách phát triển mạnh mẽ các ứng dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích dân sinh trong các lĩnh vực.
Thực hiện phân loại mức độ rủi ro của tác động bức xạ đối với con người và môi trường để xã hội hoá phù hợp, thúc đẩy đưa những thành tựu mới nhất của ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ, công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Nhà nước có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; có chính sách ưu đãi, trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước; có chính sách ưu đãi và hỗ trợ người được đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng bức xạ. Phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn.
Trong chiến lược về xây dựng năng lực nội địa hóa, giai đoạn đầu ưu tiên năng lực chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn, sau đó tiến tới năng lực nội địa hóa công nghệ hạt nhân.
Ngoài ra, chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân. Đẩy mạnh phân cấp về quản lý cho các địa phương theo mức độ rủi ro của nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trên phương diện an toàn, an ninh. Xây dựng hệ thống, năng lực quản trị và cơ sở dữ liệu quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn an ninh.
Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 189/2025/NQ-QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Điện Hạt Nhân
Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà
Giấy phép hoạt động số 15/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 14/02/2025
Công ty TNHH Carvill Việt Nam
Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Giảng Võ, Thành phố Hà Nội
ĐT: 024 62541423
Email: media-booking@carvill-vietnam.com